Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2006

29 Jul 06 - Your umbilcal cord has fallen off!




Cuối cùng con đã rụng rốn!!!

Tối qua, khi thấy cuống rốn của con đã rơi ra ngoài một nửa, mẹ thật phấn khởi nghĩ đến lần tắm đầu tiên của con trong vài ngày tới sau khi đã liền hẳn… Vì mẹ rất thích nước nên mẹ hồi hộp không biết phản ứng của con khi được/bị đặt vào trong bồn tắm là như thế nào, con sẽ nhắm mắt khoan khoái, khẽ nhăn mặt hay là cau có giống cái con Quỷ Lùn ngày chào đời đây???

Đêm, khi thức dậy cho con ăn và thay bỉm, mẹ thấy cái cuống rốn ấy đã rơi hẳn khỏi con rồi, rốn của con bây giờ là một cái lỗ tròn nho nhỏ lồi lồi trông rất ngộ nghĩnh! Và xấu xí nữa… Mẹ đi tìm và thấy cái mẩu thừa nho nhỏ ấy nằm ngay trên cũi con - một cái mẩu đen đen, xù xì, kẹp vào một miếng nhựa. Bây giờ nó chỉ còn là một mẩu da chết, nhưng cho tới 2 tuần trước đây thôi, sự sống của mẹ và sự sống của con đã giao hoà với nhau qua đó suốt 266 ngày đấy! Nghĩ cũng lạ, chỉ qua một cái cuống rốn như cái ống và một hệ thống nhau thai đâm chằng chịt như rễ cây trong ổ bụng mà bao nhiêu chất dinh dưỡng và máu của người mẹ được chuyển đến nuôi lớn một bào thai thành một đứa trẻ… Đúng là “khen tạo hoá khéo ra tay xếp đặt!” cái mối liên hệ thiêng liêng giữa mẹ và con, sau 9 tháng nuôi dưỡng khi cuống rốn được cắt đi, đã chuyển hoá từ hình thái vật chất - thể chất sang một mức cao hơn, hình thái phi vật chất - tinh thần. Sợi dây tình cảm gắn kết giữa mẹ và con từ nay sẽ là những cái ôm, những nụ hôn âu yếm, cảm giác che chở và được che chở, yêu thương và được yêu thương…

Cái cuống rốn ấy sẽ được cất trong cái hộp của con, cùng với tất cả những thứ liên quan đến sự hình thành và ra đời của con mà mẹ đã giữ từ những lầm đi khám bệnh viện: tấm hình siêu âm của con, cái đai bụng mẹ dùng khi khám APT, vòng tay có mã số của mẹ và con trong ngày sinh, bảng ghi danh con, tờ giấy của bệnh viện in dấu đôi bàn chân xinh của con, tiêu đề một vài tờ báo phát hành ngày con chào đời… Với cái cuống rốn này, có thể nó sẽ bị tiêu huỷ dần theo thời gian, song những hình ảnh của con đặc biệt trong 2 tuần đầu đời này mẹ sẽ không bao giờ quên!

Mẹ và bố, có thể vì cùng là mạng Mộc (Thạch Lựu Mộc), là cây nên rất thích nước. Bố mẹ mong con cứng cáp thật nhanh để cho con đi tập bơi, tập lặn. Trong suốt 9 tháng, con đã sống trong một cái bể nho nhỏ, xinh xinh, con đã vui vẻ đạp chân bơi lặn từ thành bên này qua thành bên kia như một vận động viên chuyên nghiệp… Mẹ mong rằng, con của mẹ sẽ đón chào lầm tắm bồn đầu tiên cũng trong tâm trạng hào hng và tươi vui như vậy!

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2006

For Dada




“Am I mature enough to become a father?” (trích lời bố)

Mẹ đọc được bài thơ này của Lưu Quang Vũ, có lẽ không hẳn giống tâm trạng của bố khi bố mẹ chuẩn bị chào đón Sean ra đời. Bố bảo để lúc nào cao hứng bố sẽ “đích thân” làm thơ cho cu (cho cu thôi nhé, không cho mẹ đâu) nhưng cái phút giây cao hứng nhất có lẽ là lúc cu chào đời thì cũng đã qua hơi lâu lâu rồi… Bài thơ này ít nhất cũng coi như đại diện cho những người sắp làm bố cu nhỉ?

Gửi em và con
(Lưu Quang Vũ.)

Lần đầu tiên nghe con trở đạp
Em quặn lòng nhưng náo nức yêu thương
Tháng thứ tám mang thai, em mệt
Da xanh gầy, đôi mắt cũng to hơn.
Từ nay trong em có hai trái tim
Tim của mẹ đập dồn mong đợi
Trái tim con mong manh êm ái
Anh đếm thầm trong mỗi đêm sâu.
Ơi người thương sắp đến ngày làm mẹ
Anh nhìn em như mới gặp lần đầu
Dẫu yêu nhiều chưa hiểu hết em đâu
Trong đáy mắt có gì như ánh lửa.
Em nhẹ bước đi nâng niu gìn giữ
Cắt áo mềm may mũ bé cho con
Anh quên đi bao nỗi lo buồn
Nghe con khỏe ngày thêm đạp mạnh.
Anh mong đợi ngày cha con gặp mặt
Con thân yêu người bạn nhỏ của cha
Mẹ là cây con là trái là hoa
Trong gian khổ con là mầm xanh biếc.
Buổi ra đời thấy trời cao có ngợp
Con hãy nhìn vào mắt mẹ con ơi
Đời chông gai vẫn mong con ra đời
Bài thơ đẹp cha dành cho buổi ấy.
Mẹ bấm ngón tay mong con lắm đấy
Cha chờ con càng yêu mẹ của con
Thay đổi đời cha sinh nở đời con
Mẹ là bến của mênh mông biển thắm
Mẹ là mái che đời cha mưa nắng
Con là cánh buồm cha gửi đến mai sau.

23 Jul 06 – Sean’s first week




Tuần đầu tiên trong đời cu Sean

Để cu Sean ăn đủ no, hàng ngày bà ngoại tẩm bổ cho mẹ hai bữa cháo móng giò ninh với hạt sen, ý dĩ, thông thảo, kết quả hiệu nghiệm như… Chí Phèo ăn bát cháo hành Thị Nở hihi… (một lời khuyên nho nhỏ cho các cô các chú sắp làm bố mẹ!). Ngoài ra cứ 2-3 tiếng một lần theo cữ ăn của cu, bà lại nhắc nhở mẹ không ăn cái gì thì cũng đi nghỉ. Ông bà ngoại thì rất phấn khởi vì thằng cháu đầu tiên đã phong cho hai cụ danh hiệu “ông ngoại – bà ngoại suốt đời” (trích những lời khó hiểu của ông ngoại) còn ông nội tuy không phải cháu đầu tiên nhưng cũng rất vui, ngày nào cũng ngắm thằng cháu đích tôn Sean cười với ông trên màn hình máy tính!!!

Đội ngũ vây quanh phục vụ cu thì vô cùng đông đảo: bà ngoại phụ trách mảng tắm rửa, bố phụ trách mảng thay bỉm, dì phụ trách mảng chụp ảnh quay phim (cu còn nhỏ xíu mà đã suốt ngày bị cả nhà vần ra chụp ảnh như celebrity rồi…), còn mẹ thì phụ trách mảng ăn uống (nhàn nhất nhưng mà quan trọng nhất và không thể thay thế được đâu!). Tuần đầu tiên thì trung bình mỗi ngày cu ăn 10 lần, tương ứng với đó là khoảng 10 lần thay bỉm, bỉm cái thì nặng 1-2 lạng nhưng cũng có cái nặng tới nửa cân hihi! Bây giờ thì cả nhà khi nghe tiếng kêu của cu đã biết được nhu cầu cụ thể của cu là gì rồi… Mẹ yêu nhất cu lúc cái mũi đang hin hin chun chun còn cái mỏ đang dẩu ra rặn ị, mỗi lần xong thì lại tròn môi thở phào một cái (cũng chính là cái ảnh cô Oanh khen cu dễ thương nhưng chắc cô không biết cháu đang làm gì đâu!).

Hai ngày đầu tiên sau khi từ bệnh viện về, bố mẹ mệt lử vì đánh vật với cu. Đêm cậu ta dậy đòi ăn, đòi thay bỉm, nếu không là khóc ré vì khó chịu, sau đó thì lại tỉnh như sáo hàng mấy tiếng đồng hồ, mắt mở thao láo ngó nghiêng xung quanh, rời tay bế đặt vào cũi là ré lên ngay lập tức (thử hỏi những người làm cha mẹ khác có thằng cu sơ sinh nào lại như vậy không cơ chứ???) Từ sau đó bố và mẹ quyết định chấn chỉnh cu ngay lập tức, ban ngày đánh thức cu dậy ngồi chơi đùa (mặc dù cu chẳng biết gì mà chơi hihi...), kết quả là ban đêm cu ngủ ngoan hẳn, chỉ thức dậy có hai lần để ăn và thay bỉm nhưng sau ngủ lại rất nhanh, làm bố từ đêm thứ ba trở đi gần như mặc kệ hai mẹ con vần vò nhau còn mình thì cứ ngủ tiếp! Cũng đúng thôi cu nhỉ, mẹ con mình còn cả ngày để ngủ bù trong khi bố còn phải đi học, đi làm nuôi thêm hai cái miệng to nữa hihi…

Ngày tuổi thứ 3, bố mẹ đưa cu đi khám bác sĩ, cu giảm 2 lạng so với lúc mới sinh trong khi được phép giảm hơn 3 lạng. Ngày tuổi thứ 6, bố mẹ lại xách cu ra khỏi nhà đi phỏng vấn xin hỗ trợ dinh dưỡng. Hàng ngày theo lời bác sĩ mẹ và bà lại cho cu vào xe đẩy đi phơi nắng hóng gió để tránh bệnh vàng da nữa, xem chừng cu ta có vẻ khoái đi chơi. Chủ nhật, kỷ niệm đầy tuẩn tuổi của cu, bố mẹ và bà ngoại cho cu đi chơi siêu thị Wal-mart mua bỉm, lang thang trong đó mấy tiếng đồng hồ, đông đúc, ồn ã mà cu ngủ im lìm từ đầu tới cuối, nhìn thương khủng khiếp! Cả nhà thấy cu dễ tính ai cũng lấy làm mừng, chỉ mong cu ăn nhiều chóng lớn như lời chúc của các cô thôi.

Tuần đầu tiên có 2 thứ chưa rụng khỏi người cu là cái cuống rốn và cái nhựa bảo vệ sau cuộc tiểu phẫu hôm nọ, cho nên cu chỉ mới được lau người chứ chưa được cho vào chậu tắm. Cậu chàng có vẻ thích sạch sẽ nên hễ thay bỉm hay tắm là nằm im re, chẳng phàn nàn gì, có điều, vì là con trai, nên mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo trước là phải cẩn thận mỗi khi dỡ bỉm ra, cả nhà vẫn bị phun vòi rồng mấy lượt!!! Cu còn có biệt tài “farting” nữa, phát nào phát nấy nổ giòn như đại bác, mà không hiểu vì sao mẹ luôn thấy cái mùi chất thải ấm ấm nóng nóng của cu lại giống như mùi… “cháo” bà ngoại nấu (thề có cái bóng đèn trên đầu mẹ là bố cũng hoàn toàn đồng ý với nhận xét này…)

Đó là những gì mẹ nhớ được về tuần tuổi đầu tiên của bé Sean, miêu tả thì thật là khó, chỉ biết rằng mẹ có thể ngắm cu cả ngày không chán. Cu có vẻ sớm cứng cáp và nghịch ngợm, chắc mấy tháng tới đáng yêu lắm, đến bố cũng sẽ không muốn rời cho mà xem. Cái mặt đã hứa hẹn rất tếu rồi, cứ nhìn cái miệng cười nhếch mép từ ngày trong bệnh viện thì biết…

Home sweet home...




Ngày tuổi đầu tiên trong đời cu Sean!

Đêm đầu tiên trong đời làm bố mẹ, Sean làm cả bố lẫn mẹ mệt lử. Mẹ tưởng họ sẽ giữ các bé ngủ trong mấy cái lồng kính của nursery để các mẹ được ngủ ngon, hoá ra họ khuyến khích các bé ở gần mẹ càng nhiều càng tốt trừ những lúc các cô y tá đẩy bé đi kiểm tra sức khoẻ.

Người ta bảo rằng sau khi một đứa trẻ ra đời, nhìn ngắm bé, người mẹ sau khi vừa trải qua cơn vượt cạn sẽ cảm thấy có hai điều ngạc nhiên kỳ diệu: (1) tại sao trên đời lại có một sinh vật đến “nhỏ” mà đáng yêu như vậy, và (2) tại sao một hình hài “lớn” vậy lại có thể nằm khéo léo vừa vặn ở cái ổ trong bụng mẹ! Bây giờ thì mẹ của Sean còn có thêm điều thắc mắc thứ ba nữa – tại sao trông cu bé nhỏ là vậy mà tiếng khóc thì đến là lớn?!!

Lại thêm kinh nghiệm này nữa... Ban đầu bố mẹ cứ nghĩ rằng cu khóc là do đói ăn (lý do khóc số 1 của trẻ sơ sinh) nên cố gắng khuyến khích cu bú. Mẹ mắt nhắm mắt mở, mấy lần suýt ngủ gật rơi cả con, miệng cu thì tuy không có răng nhưng lợi rất cứng nghiến vừa đau vừa rát, nhưng mà ngoài sữa non (colostrum là cái mẹ không cảm thấy nhưng bà y tá thì cứ bảo là có, không hiểu vì kinh nghiệm hay vì muốn động viên cho mẹ yên tâm không tự sỉ vả mình nữa) thì sữa mẹ chưa về nên cu không thoả mãn, cứ rời mẹ ra là lại khóc, cuối cùng mẹ phải cho cu lên giường nằm cạnh mẹ để hễ cu chực mếu máo là mẹ còn dỗ, bố thì nằm co ro một góc giường ngay dưới chân cu! Gần sáng, cô y tá vào, mở bỉm của cu ra thấy nhoe nhoét phân su, bố mẹ mới ngỡ ngàng vừa cười vừa mếu nhìn nhau, hoá ra bỉm ướt, lạnh đít là lý do khóc số 2 của trẻ sơ sinh…

Sức khoẻ cả mẹ lẫn con đều tốt nên bác sĩ tuyên bố rằng chỉ cần chờ đến 4h chiều để đủ 24 tiếng nằm viện là có thể xuất viện, mẹ thích quá phấn khởi ra mặt. Trong lúc các bác sĩ đưa cu đi làm tiểu phẫu đầu tiên trong đời – circumcision (tiếng Việt là cắt bao quy đầu, nói thật là mẹ hoàn toàn mù tịt về cái này nên để bố toàn quyền quyết định, bố bảo ở VN thì thường ko làm nhưng ở Tây gần như 100% là cắt cho vệ sinh nên bố mẹ cũng làm để sau này cu phát triển tự do “to như… Tây” hihi), mẹ gà gật được một chút, còn bố thì xuống dưới xe ôtô ngủ lăn lóc.

Mẹ và cu xuất viện trong bầu không khí lưu luyến lắm. Tuy rằng trong 30 giờ đồng hồ vừa trải qua là không biết bao nhiêu ca trực của các bác sĩ và y tá khác nhau nhưng tất cả đều rất vui vẻ, thân thiện và chu đáo, bố và mẹ đặc biệt thích bà bác sĩ đỡ đẻ và hai cô y tá Monica và Leslie. Bà ngoại xuýt xoa không ngừng vì đã khám + đẻ miễn phí, ngày ăn 3 bữa, túi đồ mang theo của mình không phải dùng đến thứ gì ngoài bàn chải và khăn mặt, được phục vụ tận tình, giấy tờ các loại mang đến tận giường chỉ còn việc ký, thế mà khi về còn được túi quà kỷ niệm của bệnh viện (không kể đến chăn, khăn, đồ sơ sinh mình dùng rồi được tặng luôn) và một túi quà của Similac trong có hộp sữa công thức đủ ăn một tuần cho cu phòng khi mẹ thiếu sữa (cái này là nằm ngoài quy chế của bệnh viện, đến bây giờ bố cu vẫn tự hào là do bố nháy mắt với hai cô y tá nên mới được ưu ái như vậy!). Từ phòng xuống tới cửa nơi xe bố đón hai mẹ con lại còn được y tá đẩy wheelchair xuống tận nơi nữa, nói chung là mẹ rất xúc động. Đi đẻ sướng như thế này thì trong thời gian còn ở Mỹ có khi bố mẹ phải tranh thủ làm thêm 1-2 đứa em cho cu ấy chứ hihi…

18 Jul 06 – Hospital experience





Kỷ niệm lần đẻ đầu tiên trong đời mẹ Sean


 


Tối thứ 7 cuối tuần mẹ còn cùng cả nhà đi Dallas thăm chú Phúc Anh (cách 45 phút lái xe), sau đó đêm còn ngồi lọ mọ đọc Tru Tiên tới 3h chờ bố về (cả nhà về trước còn bố ở lại đi bar nhậu coi như tiễn đưa đời trai!). 7h sáng CN mẹ bắt đầu lên cơn đau bụng, ban đầu cứ nghĩ là do tối hôm trước đi ăn buffet chén quá nhiều salmon sống!!! Đến 9h thì các cơn đau trở nên dồn dập 5p/cơn, nói chung là ko giống như trong sách nói là  các cơn co bóp đầu tiên cách nhau 40p sau đó giảm dần còn 30p rồi 20p và khi nào còn 10p/cơn thì bắt đầu đến bệnh viện là vừa đâu… Mẹ bình tĩnh đi tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc, đến 11h thấy đau hơn thì giục cả nhà vào bệnh viện (mất 30p lái xe).


Làm thủ tục nhập viện xong là 12h, họ hỏi đau nhiều không, mẹ bảo cũng bình thường nhưng kiểm tra thì thấy cổ tử cung đã mở được 6cm, khá rộng rồi, chờ mở tới 10cm sẽ cho đẻ. Từ lúc đó mẹ vào phòng đẻ nằm (đẹp như nhà nghỉ, có tivi, có bathroom, còn monitor la liệt khắp nơi), có bố và bà ngoại bên cạnh, trong mấy tiếng thì các cơn đau ngày càng dữ dội. Mẹ quyết định ko dùng thuốc giảm đau gì, cũng ko gây tê ngoài màng cứng, vì nghĩ mình có sức chịu đựng tốt mà cũng muốn xem mang nặng đẻ đau thực sự là thế nào để sau này kể cho Sean nghe. Lúc đó mẹ nghĩ đau đẻ chắc chỉ hơn đau bụng một chút, nhưng mẹ chỉ thấy cơn sau đau hơn cơn trước, cơn nào cũng tưởng chừng lên tới đỉnh điểm, càng ngày càng khó chịu, suốt mấy tiếng đồng hồ mẹ gắt gỏng bố ỏm tỏi, lúc kêu lạnh, lúc kêu nóng, lúc đòi nước, lúc đuổi đi v.v… lại còn gào lên là đau chết mất (quả thật lúc đó mẹ có nghĩ là biết thế thì mình gây tê cho rồi hihi). Cơn đau hình như có phần tăng gấp bội do món cá sống hôm trước, chỉ khổ thân bố hì hụi đi… dọn “phưn” và chùi đít cho mẹ, nghĩ lại vẫn thương! Trong cơn đau mẹ rên la đủ thứ: “ahhhh”, “ưưưư”, “awww”, “grừừ”… nhưng mỗi lần mẹ kêu “ịịịị” là bố biết chuẩn bị có việc phải làm… À bố bảo là đàn ông không phải ai cũng làm được như vậy đâu!??


4h chiều mẹ mệt quá ko kêu đau được nữa rồi (vì đêm trước thiếu ngủ và từ sáng xác định đi đẻ nên ko ăn gì) thì may quá bác sĩ quyết định cho đẻ. Đoạn này với mẹ xem ra lại dễ dàng hơn, mẹ rặn tổng cộng mất có 3 hơi, từ đầu đến cuối có lẽ mất chỉ 10p là cùng, cảm giác đặc biệt lắm… Có lúc thấy đứt hơi rồi mà cu vẫn chưa chui ra, tự nhiên mẹ vẫn cố được tiếp, căn bản bác sĩ với y tá đứng đó cứ động viên “only one more push and the baby will come out” nên mẹ lại phải cố chứ nếu nghỉ cu tụt lại vào trong rồi bắt đầu lại thì chết mất. Lúc đó mẹ căng thẳng lắm, nghiến chặt răng, tay níu chặt lấy thành giường mà tưởng tượng như mình đang bị… táo bón nặng ấy, tiếng kêu chỉ còn là tiếng rít qua cổ họng thôi chứ không còn sức mà gào được nữa! Cả bà ngoại và bố Hero chứng kiến thì đều bảo đó là một cảnh phi thường (riêng bố cu lúc đó còn chảy nước mắt nữa mặc dù tự thừa nhận là ko phải do xúc động mà thậm chí nhìn cảnh mẹ rên la còn buồn cười nữa): khi mẹ rặn được hơn ½ cái đầu thòi ra thì bà bác sĩ (xinh đẹp) dùng kẹp hỗ trợ kéo nốt đầu ra, còn sau đó cu bỗng nhiên vọt ra như tên bắn, vừa ra gặp ko khí nở to tướng, tròn lẳn và khóc oe oe rồi. Còn mẹ lúc đó thì thấy tứ chi của cu quẫy mạnh như muốn đạp tung bụng, rồi bỗng nhiên hẫng một cái thấy cái gì vọt từ trong người ra, sau đó thì mẹ chỉ còn nghĩ được đến việc… thở bù!!! Bác sĩ cắt rốn xong là để nguyên thằng cu nhầy nhụa như thế lên bụng cho mẹ vừa thở vừa vuốt ve luôn trong khi bác sĩ hoàn tất công đoạn khâu vá cuối cùng, cũng phải 20 phút nữa. Đấy chính là cái ảnh trông mẹ như chết trôi, mẹ ngăn cản mà bố vẫn cứ cho lên vì muốn khoe “birdy thing” của cu đấy! Sau đó họ mới đưa cu đi sưởi ấm, tắm và kiểm tra sức khoẻ mất 2 tiếng rồi lại mang về cho mẹ bế.


 


 

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2006

17 Jul 06 – Curriculum Vitae




Sơ yếu lý lịch trích ngang của bé Sean

Họ và tên: Cao Tùng Sơn (một ngọn núi cao phủ đầy cây tùng)

Quốc tịch: Mỹ (tạm thời tới khi cháu đủ 18 tuổi để tự quyết định nhưng cháu vẫn là người Việt Nam xịn, tên thuần Việt xịn)

Ngày sinh: 16/07/2006 (Chủ nhật đẹp trời trung tuần tháng 7)

Giờ sinh: 4.29 pm hay 16.29

Nơi sinh: Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ (Bệnh viện JPS)

Cân nặng khi sinh: 7 pound 9 ounces

Chiều dài khi sinh: 20.5 inches

Màu tóc: Đen

Màu mắt: Đen

Màu da: Tương lai cũng… đen (giống bố hihi…)

Đặc điểm nhận dạng: - Cái miệng rộng của bố

- Cái trán cao của mẹ (không giống bố thì bên nhà nội lại bảo giống ông nội!!!)

- Cái bụng to tròn như bụng cóc lúc nào cũng phập phồng

Tên tiếng Anh: Sean (đọc là Shon – tên gốc Scottish)

Tên thân mật: Chính thức thì chưa có nhưng cháu hay được gọi là Rắm Thối (mẹ), Quỷ Lùn (bố + mẹ), Phẹt (dì), cu Tí (cả nhà), chuột chí (cả nhà), Cóc (bố + bà), Ếch (mẹ)…

Sở thích: Ăn + ngủ + mắt mở thao láo nhìn xung quanh

Nhu cầu: Hiện giờ thì cháu rất dễ tính, sẵn sàng bằng lòng với cuộc sống đủ 3 điều kiện sau:

- Được ăn no (2-3 tiếng/lần)

- Được sạch sẽ thoáng mát (cháu xài vô cùng tốn bỉm và giấy ướt)

- Được giữ ấm và yên tĩnh

Thói quen: - Khi đói cháu chỉ rên ư ư nhưng để cháu chờ lâu thì cháu gào rất to

- Mỗi lần cho đi chơi là cháu rất ngoan, ngủ mê man mấy tiếng liền

Tính cách: Có vẻ (và hy vọng) là cháu sẽ rất tếu (biết cười nhếch mép từ 1 ngày tuổi)

16 Jul 06 – Welcoming note




“Lúc Sean (em) ra chào đời, mẹ cho một trái tim để yêu…(nhạc Phạm Trọng Cầu)

Mẹ quyết định làm cái blog xinh xinh cho cu của mẹ, dù mẹ cũng không biết liệu có ai ngoài mẹ sẽ là người thường xuyên đọc nó, hy vọng sau này con sẽ thích, cu nhỉ?

Blog sẽ bắt đầu bằng bài thơ “Truyện cổ tích loài người” của thi sĩ Xuân Quỳnh cu nhé!

Truyện cổ tích loài người
( Xuân Quỳnh)

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác


Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa


Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc


Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng...


Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ:
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác...
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất...


Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo...
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to:
"Chuyện loài người" trước nhất.