Thứ Năm, 7 tháng 12, 2006

07 Dec 06 - Happy birthday to Auntie Quy!

Chúc mừng sinh nhật bác Quý!

Bác Quý thân yêu của bé Sean, bác ở xa quá bé Sean chưa được gặp, hôm nay là sinh nhật bác, bé Sean mong mọi điều tốt lành nhất sẽ đến với bác và gia đình. Chúc bác một tuổi mới mạnh khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc và thành công! Không hiểu trong ngày này, bác Hải có xăng xái xắn tay áo vào bếp nấu cho vợ một bữa ăn thật ngon không nhỉ hihiii… Anh Andrew không hiểu đã biết sinh nhật là gì chưa, đã biết vẽ chưa để vẽ tặng bác Quý một bức tranh trẻ con sống động, vui tươi, đầy màu sắc?

Bác Quý là chị gái bố Hero, tuy tuổi 2 người cách nhau khá nhiều, những 7 tuổi nhưng rất thân thiết khăng khít với nhau. Bác Quý đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả, thậm chí phải phụ bà nội móc túi lưới bán, rồi trông em để mẹ chăm bố ốm... Nhưng bác Quý là người rất vui tươi và lạc quan (sao giống bố Hero thế nhỉ?) và cũng rất đảm đang tháo vát, nghe giang hồ (tức bố Hero) đồn đại thì ngày trước bác rất hay làm bánh nhúng, thạch agar… cho bố ăn, nói tóm lại, ở đâu rộ lên phong trào khéo tay hay làm gì bác Quý cũng chạy theo. Con đường công danh sự nghiệp của bác tuy cũng gian lao gập ghềnh nhưng bác Quý rất mạnh mẽ dũng cảm đi khai phá hết để bây giờ có thể coi là ổn định! Bao nhiêu năm du học từ Singapore cho tới Australia và cuối cùng là New Zealand, xa gia đình và hoàn toàn phải tự lực tìm kiếm học bổng cũng như công việc làm thêm không nản chí, không phụ thuộc, mẹ thật lòng vô cùng khâm phục bác Quý của bé Sean, đặc biệt là quãng thời gian anh Andrew được sinh ra, bác Quý vừa phải chăm con vừa phải đi học, nghĩ lại sao mà cực.

Cách đây không lâu, bố mẹ vẫn nghĩ đến khả năng mùa Christmas và New Year này sang New Zealand chơi, vừa thăm bác Quý bác Hải và anh Andrew, đồng thời cũng là dịp gặp ông nội sang ở theo quy định của Luật nhập cư. Tiếc là cho đến giờ chót, kế hoạch này không khả thi vì vé máy bay của ông nội không lo kịp, bé Sean chưa có giấy tờ ra khỏi nước Mỹ còn bố và mẹ thì không còn hạn visa để ra vào thoải mái. Tội nghiệp ông nội, từ khi bà nội mất và sau khi bố đi học không được ở gần con cái và các cháu, nhất là thằng cháu đích tôn là bé Sean đây ông cũng chưa được gặp. Lỗi hẹn lần này, đành chờ dịp khác cả nhà sum họp đông đủ vậy. Biết đến bao giờ…





A new lovely nickname for Sean...

Đặt tên ở nhà cho cu Sean

Sau một thời gian kha khá dài mẹ quen gọi tạm cu Sean là cu Tí, đến nỗi chú Phong (củ) cũng chào cu Sean là Tí ơi Tí ơi, với sự gợi ý của chú Trọng Hà, mẹ đã nghĩ ra được tên ở nhà rất dễ thương cho cu Sean. Mẹ con cu Sean xin vô cùng cảm ơn chú và chúc chú mau mau có em bé dễ thương để tha hồ đặt tên ạ.

Nhiều ông bố bà mẹ trong thời gian 9 tháng 10 ngày chờ đợi đứa con ra đời đã kịp nghĩ ra những cái nickname ở nhà dễ thương cho các bé, như bạn (à quên em, kém cu Sean… 3 tháng kia mà) chipkon con mẹ Lib béo chẳng hạn. Mẹ thì không nghĩ được ra cái gì hết, mặc dù thời sinh viên mẹ hay đùa rằng sau này gọi con mình là Tõm hoặc Thủm hihiiii! Thế thì lại giống với bạn nào tên Bỉm, sau lớn lên xấu hổ không cho cả nhà gọi mình bằng nickname nữa mất…

Mẹ không thực sự có một cái tên yêu thích, vì cái mẹ thích là một cái tên có thể gắn được với những đặc điểm đặc trưng đáng yêu của cu Sean sau khi cu Sean ra đời. Một cái tên làm sao để chỉ cần nhắm mắt lại, nghĩ đến cái tên đó là mẹ có thể tưởng tượng ra được một cu Sean vô cùng sinh động trong đầu! Nghĩ mãi mà chẳng ra cái gì thú vị, vì cả mấy tháng đầu cu Sean suốt ngày chỉ có ăn – ngủ - ị - ăn – ngủ - ị… không lẽ đặt tên là Thúi, mấy tháng sau thì cu Sean cũng biết nghịch ngợm, thích dậm chân nhún nhảy và rất rất hay cười, chẳng lẽ đặt tên là Toe hihi?

Cho đến một ngày đẹp trời, không nhớ chính xác vì lý do gì, chú Trọng Hà đẹp trai (hí hí vì chú đã nghĩ ra cái tên rất đáng yêu cho cu Sean nên chúng mình chịu khó ngợi khen nịnh nọt chú một tý nhá) bỗng nhiên hỏi thăm cu Sean trên groupmail của CHK4P. Nguyên văn của chú là như thế này…. “cháu Cao Bồi (đặc trưng của vùng cháu được sinh ra)”… Mẹ nghe khoái quá, vì family name/last name của cu Sean là Cao (Cao Tùng Sơn) mà! Mẹ tự nhủ, hay gọi cu Sean là Bồi, hay gọi cu Sean là Bồi??? Thậm chí mẹ gọi thử trong mấy ngày nữa hì hì, nhưng cái tên này vừa có dấu vừa có thanh, sao mà phức tạp, với người nước ngoài vừa khó viết vừa khó đọc nhưng mẹ lại tiếc cái tên Cao Bồi, thật sự tiếc vì có phải ai cũng sinh ra ở Texas, xứ sở của những anh chàng chăn bò đâu!

May làm sao, trong lúc đọc chệch, mẹ đã nghĩ ra rằng mẹ sẽ gọi cu Sean là Boi, là Boi, con ạ, cu Sean ạ, Boi ạ! Ôi sao mà cái tên dễ thương quá thể. Mẹ bây giờ quen miệng với cái cụm từ “Boi ơi, Boi ơi” và “Boi yêu của mẹ” lắm rồi hihi… Nghĩ đi nghĩ lại, cái tên Boi hay thật là hay, mẹ thích nhất ở 2 điểm này Boi ạ:

- Cao Boi: hiểu nôm na là phiên âm tiếng Việt của Cowboy, theo lời chú Trọng Hà là đặc trưng của vùng cu Sean được sinh ra mà nghe lại nhẹ nhàng hơn Cao Bồi.

- Tên khai sinh của cu Sean là Sơn, viết không dấu trong tiếng Anh là Son – nghĩa là con trai. Tên ở nhà của cu Sean là Boi, viết theo kiểu tiếng Anh là Boy – cũng có nghĩa là con trai. Lối chơi chữ thú vị quá đi mất!!!

Cái tên này làm mẹ nhớ tới một lần cậu sinh viên nộp bài homework cho bố, vì bình thường chỉ nói chứ không biết viết như thế nào, cậu ta lễ phép viết bên ngoài là: “To Mr.Cow” - ôi trời ơi, mẹ được mẻ cười vỡ bụng, vui quá là vui!

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2006

25 Nov 06 – Happy anniversary to Pipi and Nana!

Slide show cho cu Sean (1 to'i 2 tha'ng tuoi)







Tags: family



Monday December 4, 2006 - 02:48am (CST)


23 Nov 06 - Happy Thanksgiving!

Ăn mừng Lễ tạ ơn

Thanksgiving năm ngoái…? Dì Ann xuống chơi, lần đầu tiên anh chị em gặp nhau ở Mỹ. Bác Vân và bố mời mọi người đi ăn lẩu Lee’s Fire Pot. Hụt mất vụ đến nhà một người bạn ở Baptist church mời tất cả internationals đến chơi nên vẫn chưa biết không khí một ngày Thanksgiving thực sự nó thế nào…

Thanksgiving năm nay, ông bà Tom & Michelle (host parents) mời đến ăn cùng đại gia đình 4 chị em gái – 4 ông chồng/ bạn trai tại nhà ông bà, nơi dì Ann đã sống 1 năm đầu tiên xa nhà. Cu Sean tự nhiên léo nhéo đòi mẹ suốt, làm mẹ lỡ mất màn Tạ ơn trước bữa ăn và ăn cũng không ngon vì nhấp nha nhấp nhổm, kết quả là bà Michelle phải bế cho mẹ ăn. Mẹ nghe loáng thoáng mọi người cảm ơn vì những gì đã đạt được trong năm qua để mong mỏi sang năm mới tốt đẹp hơn nữa, bố cảm ơn vì đã đến Mỹ và đã có cu Sean, nếu đến lượt mẹ, chắc mẹ cũng vậy! Sean có nghĩa là món quà quý giá của Thượng đế mà hihii… Mà bữa ăn rất tuyệt, rất nhiều món và cũng traditional nữa, đúng kiểu Lễ Tạ ơn là phải có turkey và bacon, tiếc là không “to go” được thôi nhưng mà mẹ và dì Ann học được cách làm món sweet potato (Mỹ gọi là yam) rất ngon.

Tất cả 4 chị em trong nhà cũng vậy, mỗi người một vẻ nhưng ai cũng đều tốt bụng dễ thương và coi trọng truyền thống gia đình! Theo quan điểm của mẹ (tuy rằng mẹ là người non-religious, không tin vào Đức Chúa trời nào mà chỉ tin vào bản thân mình) thì tôn giáo nói chung nếu không bị cực đoan thái quá thì đều góp phần làm cho con người hướng thiện hơn, tốt đẹp hơn. Bố bảo mẹ nhận xét không đúng nhưng cái này quả thực là mẹ kết luận sau khi tiếp xúc với nhiều người tới từ những tôn giáo khác nhau. Hầu hết những sinh viên Thailand mẹ tiếp xúc đều rất ngoan ngoãn, hiền lành, tốt bụng vì ở Thailand 90% dân số theo đạo Phật và nhiều gia đình gửi con cho chùa khi còn nhỏ. Còn sinh viên Hindu Ấn Độ thì rất coi trọng chuyện lề lối trên dưới, nền nếp đạo đức trong cuộc sống. Sinh viên đến từ Trung Đông chịu ảnh hưởng bởi đạo Hồi nên sống rất có nguyên tắc và tuân thủ các nguyên tắc đó.

Ở Mỹ, mảnh đất của tự do: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do sinh hoạt; đôi lúc tự do quá làm nảy sinh những vấn đề tâm lý xã hội phức tạp đến đau đầu… nhưng những người ngoan đạo và siêng đi nhà thờ đều là những người tốt bụng thương người và rất trân trọng giá trị gia đình. Gia đình ông Tom và bà Michelle dịp lễ đặc biệt nào cũng sum họp đông đủ, mỗi cặp chuẩn bị một món gì đó và thành một bữa tiệc thân mật, ấm cúng. Trẻ con trong nhà sau khi ăn xong thì chạy chơi không hóng chuyện người lớn. Người lớn thì chịu khó vào bếp trổ tài hoặc bày vẽ làm các đồ thủ công tặng nhau… Nói chung bố và mẹ rất quý mến giá đình này với những nét Á Đông kiểu Mỹ của họ. Sau khi đi ăn về, điều mẹ nung nấu nhất là phải tự tay làm được một món quà giáng sinh thật đẹp và ý nghĩa cho họ, mẹ đã biết mình phải làm gì rồi, bây giờ thì chỉ còn vấn đề thời gian thôi, hồi hộp quá cu Sean à!