Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2006

10 Sep 06 - Sean is now 8 weeks old




Bé Sean vừa tròn 8 tuần tuổi

- Cân nặng: 14.5 lbs tương đương 6.5 kg (lúc sinh 3.5 kg)

- Chiều dài: 25 inches tương đương 63 cm (lúc sinh 51 cm)

- Vòng đầu: 17 inches tương đương 42 cm (lúc sinh 37 cm)

Đó là bé Sean 8 tuần tuổi, hai má phinh phính mà rắn chắc, hồng hồng như hai quả đào tơ bất cứ ai nhìn cũng muốn không cắn thì ngoạm một miếng, trên má thỉnh thoảng điểm một vài chấm đỏ gọi là “vết bà mụ cắn” rồi vài hôm lại tự biến đi.

Đó là bé Sean, hai con mắt lim dim khoan khoái những lúc cái miệng dẩu ra mê mải ăn và mở to tròn lanh lợi những lúc chơi đùa, ngó nghiêng tứ phía trên cái cổ nghển lên như chú thạch sùng con, hai con ngươi trong veo đen láy bây giờ bắt đầu có ánh nâu.

Đó là bé Sean, hai hàng lông mi “không-thưa-như-của-mẹ-không-thẳng-như-của-bố” bây giờ đã cong cong dài dài chớp qua chớp lại, đôi khi rợp xuống mắt có phần trông buồn buồn nhưng dễ thương vô cùng lúc ngủ.

Đó là bé Sean, hai lỗ mũi phập phồng khi khoái chí và sun sun khi rặn ị (có điều bên ngoài trông xinh xắn còn bên trong không ngày nào không ra hai cục gỉ mũi to tướng!) trên một cái mũi phần sống thì cao (giống mẹ hihi) còn phần chóp thì to (giống bố hixhix).

Đó là bé Sean, hai cánh tay chắc lẳn, ngấn trên ngấn dưới thành 4 khúc tròn ỉnh xem ra không tương xứng với cái bàn tay và cái cổ tay con con, nhẹ vén tay áo lên vai sẽ thấy cu Sean có… bắp tay (muscles) như body-builder thực sự.

Đó là bé Sean, hai bàn tay nhỏ xíu, mu bàn tay trắng muốt (có lẽ là phần trắng nhất mẹ cũng không biết tại sao), ngón tay cái hãy còn hay cụp vào trong tuy các ngón còn lại khi cụp khi xoè, móng tay thì cứng hơn và mọc nhanh hơn móng chân rất nhiều.

Đó là bé Sean, hai bắp chân cầu thủ hồng hào, tròn lẳn, núc ních trong những chiếc diaper tuy đúng số nhưng lúc nào cũng có vẻ chật, bên dưới đạp rất khoẻ là hai cẳng chân “vòng kiềng bẩm sinh” cần được nắn bóp thường xuyên cho thẳng lại hihii…

Đó là bé Sean, hai bàn chân cũng nhỏ xinh với cái mu và các ngón chân hay cong lại, gót chân này đã vài lần bị các cô y tá chích lấy máu, thường là vết nhỏ như châm kim nhưng có một lần lấy nguyên một ống nên chọc ra một mảng da, vết thương bây giờ mới lên làn da mới.

... Còn nhiều điều nữa để tả về bé Sean ngoài những thứ đi thành đôi như trên. Có lẽ tốt nhất là đưa vào một tấm ảnh và - đơn giản, đó là bé Sean!

09 Sep 06 - A day off motherhood...


Trốn con đi chơi…


 


Nghe buồn cười quá cu Sean nhỉ? Ai lại có mẹ nào “trốn” con bao giờ? Thế nhưng mà thật đấy, hỏi thử những người đã làm mẹ xem, có lẽ ai cũng phải đồng ý là mình ít nhiều có những lúc “thèm” được “trốn” con đi chơi… Như cái International Friends, câu lạc bộ ở nhà thờ mẹ hay đi, họ có những người tình nguyện giúp trông các bé hàng sáng thứ tư để các mẹ có thời gian giao lưu. Nghe nói, còn có những nơi họ có một hoạt động là “Free Fridays” nghĩa là cũng trông các bé giúp nhưng không phải để các mẹ sinh hoạt câu lạc bộ mà để mẹ có nguyên một ngày tự do cho riêng mình, thường thì các bà mẹ Tây hay đi shopping hoặc đi massage, spa, làm đầu làm đẹp... nghe cũng đến là thú vị.


Đến lượt mình làm mẹ, mẹ mới thực sự vỡ ra điều ấy. Nhìn thấy con mình lớn lên hàng ngày là niềm hạnh phúc lớn lao của những người làm cha làm mẹ, với cha, với mẹ, con mình bao giờ cũng xinh xắn đẹp đẽ, con mình bao giờ cũng dễ thương đáng yêu, nhìn ngắm cả ngày cũng không biết chán!!! Ấy thế nhưng mà đấy là suy nghĩ những lúc các bé ngoan ngoãn, chỉ biết ăn rồi ngủ, và cười nữa chứ không khóc không mếu không vòi vĩnh… Mà có em bé nào lại không như cu Sean: biết cách đòi bế bằng cách phụng phịu mếu máo, dù chỉ là em bé sơ sinh nhưng cũng môi cong, mũi đỏ, mày nhăn như ai; rồi những lúc khó chịu trong người thì ré lên như cái còi, mắt thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngân ngấn nước, thậm chí thành hai hạt nước to lăn dài trên má, ướt đẫm cả tóc mai; lại còn thỉnh thoảng làm mình làm mẩy chơi nghịch không chịu ngủ, chơi chán thì lại qua cơn, tỉnh queo dỗ mãi không chịu ngủ… Ự! Càng kể lể càng thấy việc ôm con cả ngày sao mà vừa đơn giản vừa vất vả thế!


Cho nên mới có một cái ngày như hôm nay khi chính mẹ cũng hí hửng tự cho mình trốn cu Sean đi chơi, dĩ nhiên cần hội tụ các điều kiện (1) có bố/ dì/ ai đó trông giúp, (2) cu Sean ăn no đẫy trước khi mẹ đi, (3) cuộc đi chơi của mẹ không kéo dài quá 2-3 giờ đồng hồ… Thực ra nếu cho cu Sean bú bình thì mọi việc cho cả mẹ, cả bố đều đơn giản hơn nhiều!


Buổi sáng, dì Ann ở nhà, bố và mẹ ào ra chợ, nhặt nhạnh ngó nghiêng đủ cả. Không phải chăm chăm để ý cái giỏ đặt trên cái xe mua hàng trong đó có thằng cu Sean nằm ngủ, không phải lo mau mau ra khỏi khu bán thịt cá nồng nặc mùi, mẹ thấy khoan khoái lắm. Về nhà thấy cu Sean vẫn ngoan, mẹ quyết chí tiếp tục sự nghiệp trốn con trong ngày…


Buổi chiều, đến lượt bố ở nhà, dì Ann và mẹ đi Mall, mục đích là mua một số áo sơ mi công sở cho dì Ann mặc đi làm, kết quả là chị em phụ nữ bỏ công bỏ thời gian ra đi shopping thì không nhặt nhạnh được cái gì, còn anh em đàn ông ở nhà lại được quà, đơn giản vì hôm đó đồ nam sale nhiều vô kể. Bố được 2 cái áo sơ mi Tommy Hilfiger mà theo lời bố sẽ được xài chung với nước hoa Tommy mẹ tặng. Suýt nữa thì bố được thêm cái mũ có chữ T-H lồng nhau nhưng tiếc quá, hàng này không sale… Mải mê đi cố nốt vài cửa hàng với hy vọng tìm được gì đó cho dì Ann, về đến nhà thấy bố đang đánh vật với cu Sean, ngón tay út của bố đã được cu Sean mút chụt chụt ngon lành cả nửa tiếng đồng hồ rồi, cũng xứng đáng để bố được 2 cái áo TH.


Buổi tối, bố trổ tài làm cơm linh đình kêu bác Zao và cô Hạnh, chú Phong đến ăn, lại có cả chú Thái-mà-không-phải-Thái Vikram bạn bác Zao (bố Ấn mẹ Tàu sinh ra tại Thailand, mang tên Ấn nhưng đen như Thái), mẹ lần đầu tiên bỏ bếp chạy đi chơi vì đã trót hứa làm bánh giò với cô Dung, do “trục trặc kỹ thuật” nên mẻ bột đầu không như ý, phải lái xe vù ra chợ mua gói bột khác làm lại... Đúng là chỉ có bố hiểu mẹ, lời hứa đã tuôn ra thì phải làm cho kỳ được cái bánh giò mới về! Và thế là cu Sean cứ việc lăn từ tay cô Dung sang tay chú Durai cao to đen (hôi?) còn mẹ mải say sưa với từng mảnh lá chuối, từng muôi bột…


Một ngày mệt lử nhưng đã đời! Tuần sau nhất định mẹ sẽ “trốn” tiếp đấy cu Sean ạ…


 


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2006

08 Sep 06 - A routine timetable for Sean




Một ngày của bé Sean và mẹ

Đúng lúc bà ngoại về thì cả nhà bắt đầu bận: bố vào học kỳ mới, học, làm, nghiên cứu chiếm hết quỹ thời gian; dì Ann cũng tương tự, sau vài tháng hè giúp mẹ chăm bé Sean và thay bố mẹ đưa bà ngoại đi chơi, dì quay lại với việc học thi và tìm việc và ngay lập tức đã chính thức bắt đầu đi làm…, còn mẹ bận lây theo mọi người vì từ giờ ban ngày sẽ chỉ có mẹ và bé Sean ở nhà với nhau. Hôm qua, ngày làm việc đầu tiên của dì Ann, mẹ có phần hơi đánh vật với bé Sean, nhưng ngay sau đó mẹ đã tự đúc rút được kinh nghiệm cho chính mình và hôm nay mọi việc trở nên trôi chảy hơn nhiều. Từ giờ trở đi, trừ weekend có thể ngủ nướng thoải mái và mọi người có thể xắn tay áo vào bếp, còn ngày thường mẹ lên kế hoạch cho mẹ và bé Sean thế này: (mẹ phải cố gắng giảm sức ép để cảm thấy mình enjoy công việc housewife của mình, để cảm thấy bé Sean lúc nào cũng là niềm vui của mẹ)

07.00am - 08.00am: Bé Sean thường dậy giờ này, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn một chút, mẹ cũng dậy theo vì thật khó mà ngủ tiếp khi có một chú nhóc con cứ e e bên cạnh mình. Dì Ann là người dậy sớm nhất, đi khỏi nhà từ 6.30 vì công ty ở tận Dallas, mất khoảng 40 phút lái xe.

08.00am - 09.00am: Là khoảng thời gian “xử lý” bé Sean buổi sáng (thay bỉm, cho ăn) và mẹ cũng ăn sáng qua loa, nếu bé Sean ngoan có thể nằm im chơi một mình thì mẹ có thời gian để check email đầu ngày và viết thư trả lời cho một vài người (việc này vốn dĩ mất rất nhiều thời gian mà vẫn không hết được vì riêng viết thư cho các ông bà đã quá nhiều rồi!) Từ khi bố chuyển sang ăn sáng bằng cereal với milk thì không phải lo chuẩn bị cơm nguội nữa hihiii... may mà bố không đau bụng vì không quen uống sữa tươi.

09.00am – 10.00am: Mẹ đưa bé Sean xuống dưới nhà hóng nắng buổi sớm, có thể cho vào xe đẩy đi lòng vòng quanh trường hoặc cho bé Sean nằm ngay trên cái bàn dưới sân còn mẹ sẽ đọc truyện bên cạnh, một chút thôi, đủ để bé Sean có làn da khoẻ mạnh và tổng hợp đủ vitamin D.

10.00am – 12.00pm: Khoảng thời gian này bao gồm bữa ăn tiếp theo của bé Sean và việc chuẩn bị cho bữa ăn trưa của mẹ và bố, dì Ann không ăn ở nhà (nếu dì ăn ở nhà có lẽ cả ngày chỉ vừa đủ thời gian cho dì lái xe đi đi về về giữa 2 nơi hihii) cho nên bố và mẹ thì vô cùng đơn giản, thường là sẽ cố gắng nấu cơm và thêm một món rau thôi còn thức ăn mặn thì chuẩn bị từ tối hôm trước vì bố cũng không có nhiều thời gian để ăn.

12.00pm – 02.00pm: Mẹ cố định giờ tắm hàng ngày cho bé Sean vào buổi trưa sau khi mẹ ăn cơm xong. Lý do thứ nhất: giờ này ấm áp trong ngày không sợ bé Sean lạnh ốm. Lý do thứ hai: giờ này mẹ rảnh rỗi nhất và tỉnh táo nhất trong ngày. Lý do thứ ba: sau khi tắm xong bé Sean thường ngủ ngon nên mẹ hy vọng bé sẽ ngủ được một giấc dài hết buổi trưa…

02.00pm – 04.00pm: Đây là quãng thời gian trong ngày mẹ dành riêng cho mình, thường là tắm rửa, đọc sách hoặc dùng máy tính. Tại sao mẹ không tranh thủ ngủ cho đỡ mệt? Không phải vì mẹ không muốn mà là không thể. Mẹ đã cố gắng thử nhiều hôm, vừa nằm xuống chưa kịp buồn ngủ đã thấy bé Sean ngọ nguậy đòi ăn, ăn xong lại phải vỗ cho ợ hơi lâu lâu sau mới đặt nằm xuống, đến lượt mẹ lại mới kịp thiu thiu thì bé Sean lại ọ ẹ đòi bế. Tóm lại, ngồi lên nằm xuống mấy lần mất cả buổi chiều mà không thể ngủ được cho nên mẹ quyết định thay vào đó sẽ đi ngủ sớm buổi tối còn buổi chiều dành cho việc học hành.

04.00pm – 05.00pm: Lần sưởi nắng thứ hai trong ngày của bé Sean, có lẽ lúc này mẹ hy vọng bé Sean thức dậy và ngó nghiêng cây cối xung quanh hơn là ngủ, để dành cái buồn ngủ cho buổi đêm, nếu không đêm bé Sean thức sẽ làm ảnh hưởng cho mọi người nhất là dì và bố. Bé Sean đặc biệt thích gió mát tự nhiên và thích nhìn ngắm những cái gì lạ lẫm nên đây sẽ là khoảng thời gian exciting của bé.

05.00pm – 07.00pm: Chuẩn bị cơm nước, làm sao để khi bố và dì Ann về (quanh quanh 7.00 hoặc 7.30) là đã có bữa tối. Ăn sớm để sau đó còn một buổi tối dài cho mọi người làm việc riêng của mình. Đôi khi ăn muộn thì đến khi rửa bát dọn dẹp xong ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy hết ngày…

07.00pm – 09.00pm: Cả nhà quây quần ăn cơm, bé Sean cũng được đặt trong cái xích đu ngay bên cạnh vì đây là bữa cơm đông đủ của một ngày. Sau đó dì Ann rửa bát, đi tắm và ngồi chơi với bé Sean. Đây cũng là khoảng thời gian để cả nhà ngồi nói chuyện trên trời dưới bể với nhau.

09.00pm – 10.00pm: Mẹ dỗ ngủ bé Sean và chuẩn bị cùng đi ngủ để dì Ann yên tĩnh học bài. Bố có lẽ vào trường. Cho bé Sean đi ngủ sớm, nếu mẹ có thể đi ngủ cùng thì mẹ sẽ không còn thiếu ngủ trầm trọng như mọi hôm mà trong 1-2 lần tỉnh dậy cho ăn giữa đêm cũng không mệt nữa…

Bé Sean thấy kế hoạch xịn không con? Chúng mình cùng làm tốt nhé!!!

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2006

There's something about newborns




5 bí mật của trẻ sơ sinh

1. Bàn chân bé

Bàn chân bé sẽ rất mập mạp trong khoảng 2 năm đầu tiên, thậm chí hơi cong cong cho đến khi tập đi. Ngón chân bé sẽ phát triển, thẳng và cân đối hoàn toàn vào khoảng 4 đến 5 tuổi.

Các bà mẹ mới sinh đứa con đầu lòng thường dễ hoảng hốt bởi các dấu hiệu nho nhỏ trên cơ thể bé. Thực ra, rất nhiều điều chỉ là chuyện tự nhiên và không cần phải lo lắng, chữa trị gì cả:

2. Làn da bé

Da của bé, đặc biệt là gương mặt, sẽ chưa phải là một bức tranh hoàn hảo về màu sắc. Đôi khi bạn bắt gặp những đốm đỏ trên mí mắt, trên cổ hay cằm bé, còn gọi là vết “bà mụ cắn”. Cứ yên tâm là các đốm này sẽ nhạt dần đi và biến mất hẳn khoảng sau 18 tháng tuổi.

3. Mũi bé

Hơi thở khò khè của trẻ sơ sinh có thể khiến bạn hoảng sợ. Nhưng hãy yên tâm, điều ấy là hoàn toàn bình thường. Mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ, do vậy chỉ một chút đờm dãi cũng sẽ gây tắc và khiến tiếng thở tạo nên âm thanh khác thường. Trong trường hợp ấy, bạn chỉ cần nhỏ một chút nước muối sinh lý hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ để thông mũi là ổn.

4. Mắt bé

Trẻ sơ sinh không nhìn được xa và rõ các đồ vật xung quanh. Chúng chỉ thấy hình khối và ánh sáng. Đó là lý do vì sao các món đồ chơi của trẻ luôn mang những tông màu tương phản và trẻ hay nhìn về phía của sổ hoặc những nơi có nguồn sáng rực rỡ. Trẻ sơ sinh cũng thường khóc oe oe mà không có nước mắt, đó là vì ống dẫn tuyến nước mắt chưa hoạt động thông suốt, ít nhất là một tháng sau khi sinh.

5. Đỉnh đầu bé

Thóp của trẻ khép lại hoàn toàn, cứng cáp ít nhất là từ sau 12 đến 18 tháng tuổi. Tuy vậy, khoảng thời gian xương của 2 bán cầu sọ chưa khép lại hoàn toàn cũng không quá nguy hiểm khiến bạn luôn đề phòng đến những cử chỉ vuốt ve hoặc cử động mạnh của trẻ. Thóp thường co bóp theo nhịp đập của tim và mạnh hơn khi trẻ khóc, điều này là hoàn toàn bình thường.

“Cứt trâu” trên chỏm đầu trẻ cũng là chuyện tự nhiên.

Một số trẻ sinh ra với khá nhiều tóc và bị rụng “tơi tả” chỉ sau một thời gian ngắn. Đây là quá trình thay đổi hoóc môn tự nhiên và bạn chẳng việc gì phải lo lắng. Vì sau khi rụng tóc (có khi thành từng mảng), tóc mới sẽ mọc lại nhanh chóng và đôi khi khiến người mẹ ngạc nhiên về màu sắc và cả độ dày, mỏng của nó nữa.