Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2006

12 Aug 06 - Going out





Một buổi đi chơi


 


Chủ nhật thứ 4 trong đời cu Sean!


Cũng là cái weekend thứ 4 cu được đưa đi chơi. Tuần đầu tiên, cả nhà đưa cu đi siêu thị Wal-mart superstore mua bỉm và giấy lau, cu ngủ no say suốt mấy tiếng đồng hồ. Tuần thứ hai, cả nhà đưa cu đi thăm ông Xây, bà Mai người quen của mẹ, cu chỉ dậy đòi ăn một lần rồi ngủ tiếp. Tuần tiếp theo, cu đi theo tới chợ Việt Nam Saigon – Taipei và chợ Mexican Fiesta để mua đồ ăn, im lìm trong giấc ngủ suốt, chỉ thỉnh thoảng cựa quậy người một chút, có lẽ vì nằm trong carseat lâu mỏi người… Thấy cu dễ thương như vậy, đến tuần này, khi chỉ còn vài ngày nữa cu tròn 1 tháng tuổi, mẹ lại hẹn ông Xây bà Mai đến chơi để ăn bánh giày giò home-made do bà Mai làm. Nếu mà cái gì có chữ “giò” trong đó đều có tác dụng kích thích tuyến sữa, hẳn mẹ đã gọi điện vòi vĩnh bà Mai làm hàng tuần cho mẹ ăn rồi hihii…


Hẹn 10h sáng nhưng mà nhà có trẻ con thì thật khó mà giờ giấc chính xác, ông bà cũng hoàn toàn thông cảm cho điều đó. Loay hoay cho cu ăn sáng, thay bỉm xong, đặt ngủ yên lành trong carseat rồi cả nhà đi, tới nơi cũng đã 11h. Ngồi nói chuyện xóm làng quê hương ngày xưa rôm rả, sau đó ông bà mời cả nhà ăn cơm, một bữa cơm ngon lành với các món ăn đậm đà hương vị Việt Nam: cá kho, canh rau đay, dưa muối… Bà Mai chiều mẹ lắm, làm cho hai đĩa bánh giày giò to để vừa ăn vừa mang về, làm mẹ không biết phải cảm ơn sao cho hết. Vậy mà chưa hết đâu nhé, ông Xây tặng quà đầy tháng cho cu Sean và hẹn hôm nào sẽ đến chơi… (món quà đầy tháng đầu tiên của cu đó, về nhà mẹ bóc mấy cái đồ chơi kính coong của ông bà ra cho cu chơi luôn!), mà chưa hết, ông bà lại còn chuẩn bị quà để bà ngoại mang về cho ông ngoại nữa, cả nhà từ chối mãi cuối cùng cũng phải nhận một ít tượng trưng… Mẹ sau đó báo cáo cho ông ngoại và thoả thuận ngay với ông là sẽ có quà gửi lại để cảm ơn, tranh thủ bác Zao đang về Việt Nam thăm vợ con.


À mẹ muốn nói cho cu Sean nghe một chút về tình hình người Việt tại Mỹ, có lẽ để con biết thôi, vì đến thời của con, thế cuộc và cách nhìn nhận của mọi người đã thay đổi nhiều rồi… Theo như việc học chính trị của bố trước khi đi, tổng cộng người Việt sinh sống ở nước ngoài là khoảng 3 triệu, trong đó tại Mỹ là 2 triệu, tuy nhiên mẹ nghĩ con số tại Mỹ này có thể chưa được liệt kê đầy đủ vì mẹ nhớ có lần ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng con số thuyền nhân (boatmen) đến Mỹ an toàn đã là 2 triệu rồi!!! Arlington này tập trung khoảng 200,000 người Việt, chỉ sau California và Houston (cách đây 3 tiếng lái xe), cũng có nghĩa là con em người Việt theo học tại UTA cũng đông vô cùng. Cu Sean có nhớ những lần mẹ và con đi khám bệnh, đi đẻ ở hệ thống bệnh viện JPS không, 3 thứ tiếng hay có nhất trong các loại giấy tờ và bảng chỉ dẫn là (1) tiếng Anh – cho người Mỹ và những người nước ngoài nói được tiếng Anh, (2) tiếng Tây Ban Nha – cho tụi Mexican, (3) tiếng Việt – cho người Việt. Nếu nói về cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ và lá cờ di sản của họ thì dài dòng lắm, nhất là nếu kể về cuộc diễu hành rước cờ đỏ sao vàng của hội sinh viên du học Việt Nam trong đợt International Week vừa rồi tại UTA… Mẹ chỉ tin rằng, với càng ngày càng nhiều người tiến bộ, biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía, biết đàm phán và dung hoà mâu thuẫn, người Việt trong nước và người Việt hải ngoại sẽ chung sức cải tạo đất nước tốt đẹp hơn…


Quay lại chuyện cuộc đi chơi hôm nay nhé, ông Xây và bà Mai sang Mỹ được gần 15 năm, hai ông bà có 5 người con, 3 người con trai đi Úc từ những năm 80 theo dạng vượt biên (cu có biết trước đây mẹ cứ nghĩ 2 từ đó là rất xấu không?), 2 người con gái đi Mỹ cùng ông bà năm 91 theo diện đoàn tụ gia đình (H.O – xem thêm ở đây), bây giờ hai ông bà là công dân Mỹ, hưởng chế độ phúc lợi của Mỹ, nói chung so với người già tại Việt Nam, cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn nhiều… Mẹ quen ông Xây tại nhà thờ First Baptist Church, nơi mẹ đến vào sáng thứ 4 hàng tuần tham gia một câu lạc bộ gọi là International Friends, ông và mẹ cùng trong nhóm của bà Alyce, bà Chủ tịch câu lạc bộ thứ 4 vừa đến thăm cu Sean ấy… trong nhóm đó, tên ông là Say, còn tên mẹ là Chan (Jackie Chan) hihi… Không biết vì cái gì, mẹ nghĩ có lẽ vì thái độ của ông đối với sinh viên du học mà mẹ có cảm tình với ông, còn ông, có lẽ vì phát hiện ra bố đồng hương với ông, nên dành ngay cho mẹ một sự ưu ái đặc biệt và liên tục mời bố mẹ tới chơi chừng nào còn chưa gặp được bố.


Ông Xây và bà Mai đều dân Bắc 54, nghĩa là nằm trong những người dân Bắc sau cải cách đấu tố, vì lý lịch gia đình không trong sạch (địa chủ cường hào) ồ ạt chuyển vào Nam bắt đầu làm lại kinh tế. Ông Xây vốn là giáo viên Sử - Địa, năm 63 ông bị động viên đi lính cho quân đội Cộng hoà, đến năm 75 khi hoà bình lập lại, ông bị đi trại tập trung cải tạo (concentrating camp) ở tận các vùng núi phía Bắc, mãi tới năm 83 mới được ra. Bây giờ ông đã 73 tuổi, hơn cả tuổi bà cố ngoại của cu Sean, vậy mà dùng tiếng Anh và internet rất thành thạo, và vẫn còn lòng ham học cũng như ham hiểu biết lắm, sang tới Mỹ này ông còn đi học lại Đại học đó cu Sean biết không? Không giống như phần nhiều những người lính thất trận khác ôm mối hận thù trong lòng và truyền lại cho con cháu, ông là người lính cộng hoà tiên tiến hiếm hoi mà mẹ được gặp khi biết chấp nhận chiến thắng của quân đội miền Bắc, chỉ riêng điều ấy thôi cũng đã làm mẹ quý mến ông bà rồi… Cũng có thể một phần vì, cuộc chiến tranh ấy, cho đến nay thì mẹ hiểu rằng, chỉ là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vì mục tiêu cá nhân của những kẻ cầm quyền hoặc do sai lầm về đường lối. Có không biết bao nhiêu gia đình như gia đình ông bà, cùng một lúc có anh em tham gia đội quân bên này, bạn bè nằm vùng chiến trường bên kia… Trong hoàn cảnh ấy, chiến thắng hay thất bại cũng đều là sự mất mát về con người và vật chất như nhau!


Có một điểm quan trọng nữa làm bố mẹ cảm thấy rất mau gần gũi với ông Xây và bà Mai, đó là giống như đa phần những người già xa quê khác, họ luôn – có thể nói là đau đáu – hướng về mảnh đất là Tổ quốc thực sự của họ. Mẹ không có lời nào tả hết được nỗi vui mừng và sự phấn khích của ông Xây khi ông được gặp người đồng hương Hải Phòng là bố, càng vui hơn khi biết quê ngoại bố cách làng cũ của ông chẳng bao xa, mặc dù ông rời quê từ năm 16 tuổi. Bà Mai chỉ ở Hà Nội tới năm 10 tuổi nên bà không lưu giữ được nhiều kỷ niệm tuổi thơ, những lần câu cá, bắt chim, v.v… (mẹ nghĩ rằng có khi ông còn có mối tình đầu rơi rụng ở đó hihi) nhưng cũng như ông, bà say mê nấu món ăn miền Bắc, nghe nhạc miền Bắc, xem phim miền Bắc… Hai ông bà rất mong được về thăm quê, nhìn lại cảnh các bà già răng đen ngồi trên chõng tre móm mém nhai trầu, cảnh các cô thôn nữ xúm xít bên cầu áo vo gạo, rửa rau, giặt giũ… mà sự thực ra bây giờ cũng khó mà tìm thấy. Trong nhà ông bà, băng phim miền Bắc và truyện ngắn của các nhà văn trong nước chất đầy nhà… Họ làm cho mẹ giật mình, phải chăng đó là những điều mà người có không biết trân trọng là mình có? Mẹ đã nhờ được ông ngoại mua tặng ông Xây bà Mai 2 quyển tuyển tập truyện ngắn mới nhất và 2 đĩa ca nhạc (1 đĩa Thu Hiền và 1 đĩa quan họ), thật may là ông ngoại có gu nghe nhạc giông giống ông Xây!!! Thỉnh thoảng mẹ cũng vào VOV kiếm mấy bài Ba Quan và Cò lả… cho con nghe đấy, hy vọng con cũng thích cu Sean nhỉ?


Cu Sean à, vì sao hôm nay mẹ lại nghĩ đến chuyện này? Vì con của mẹ đừng quên rằng, tạm thời bây giờ con mang theo mình quốc tịch Mỹ, nhưng con mãi là người Việt Nam, mẹ muốn con luôn hướng tới và tự hào về nguồn gốc của mình. Quan trọng hơn nữa, con hãy cố gắng làm được cái gì đó dù là nhỏ nhoi cho hai chữ Việt Nam thân yêu của mình nhé, cái điều đó, mẹ bây giờ vẫn còn đang phải phấn đấu nhiều…


 


 

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2006

07 Aug 06 – Sean’s first bath





Lần tắm bồn đầu tiên của cu Sean


 


Mẹ cứ háo hức đón chờ ngày này từ lâu rồi nhưng thật ra sau khi cuống rốn rụng còn phải chờ cho vết thương lành hẳn mới tắm bồn được, vậy là thêm 1 tuần cu Sean phải tiếp tục tắm theo kiểu lau người (sponge bath). Cho đến hôm nay khi lau nhẹ rốn bằng nước muối sinh lý thấy không có dịch gì rỉ ra nữa, mẹ và bà ngoại quyết định cho cu Sean bắt đầu tắm bồn.


Trước hết là bật heater trong phòng tắm chạy ro ro, lấy cái bathtub của cu (cái này dành cho newborn tới 6 tháng tuổi mà cu nằm đã có vẻ chật chật rồi) đặt trong cái bathtub của người lớn, xả nước ấm (cái đo nhiệt độ nước tắm con cá không cần dùng đến vì dùng bàn tay hoặc tốt nhất cùi chỏ của mình thử là hiệu quả lắm rồi!), rồi chuẩn bị hai cái khăn sữa mềm (một lau mặt một lau người) và có thể bắt đầu. Đầu tiên cu vẫn được bế trên tay để gội đầu trước (vì đầu chịu rét tốt hơn thân mình), gội nhanh thôi vì mẹ và bà ngoại không muốn dùng shampoo trước khi cu được tròn 1 tháng tuổi, gội xong thì cái đầu ướt nhẹp, tóc xoăn tít lên lởm chởm như thằng châu Phi trông ngộ nghĩnh ghê. Sau đó đến màn cởi áo và đặt nguyên thằng cu tròn như hạt mít vào cả cái chậu. Lần đầu tiên làm như vậy cu hơi giật mình và co hết tay chân lại vào tư thế phòng thủ, ánh mắt trông ngơ ngác nhưng mà cũng không hề khóc một chút nào hết. Chỉ cần từ lần thứ hai trở đi thôi, cu trở nên bạo dạn hẳn, nước ấm làm cu trông thích thú ra mặt. Cu cậu từ nằm co chuyển sang duỗi hai chân ra để rửa cho dễ, lim dim tận hưởng những cái vốc nước rưới lên người và sự kỳ cọ của chiếc khăn mềm, đôi khi thì mở tròn mắt quan sát xung quanh. Có vẻ như cu hiểu rằng tắm như thế này vừa nhanh vừa sạch đỡ ngứa hơn lau người nhiều… Sau đó cu được bế ra rất nhanh và cuộn tròn vào hai lớp khăn tắm, chiếc bên ngoài còn có mũ cho mái tóc tốt của cu nữa. Cuối cùng là công đoạn mặc áo mới, đi tất tay tất chân mới và tất nhiên là đóng bỉm nữa rồi quấn cu vào chăn cho ấm. Sau vài ngày tắm cho cu thì một kinh nghiệm mới được đúc rút là phải đóng bỉm trước rồi mặc quần áo sau nếu không thì 10 lần tắm xong chắc 6-7 lần sẽ bị cu… tè vào người hihi…


Sách nói rằng (lại sách hehe!!!) hầu hết trẻ sơ sinh đều thích được tắm, điều này quá đúng với cu Sean. Và sách nói thêm rằng hãy chuẩn bị kỹ để vui vầy với việc tắm táp này vì it will be a really fun time for both mom and baby.


 


05 Aug 06 – Sean’s level of needs




1, 2, 3… 20! Growth spurt…

Bé Sean được 20 ngày tuổi tròn, nặng ước chừng 4.5 ký… Chào mừng sự kiện nho nhỏ này, bố mẹ và bà ngoại cho bé đi chơi Park’s Mall cũng là nhân dịp tax-free duy nhất trong năm trên toàn US. Hôm nay thì bé không ngoan như những lần đi chơi cuối tuần trước đó, bé chỉ ngủ yên được một lúc rồi dậy đòi ăn ầm ĩ, mà tiếng khóc của bé thì… réo rắt như còi xe cứu hoả, trong Mall đông người là thế mà cũng không át nổi. May là ở đó có những phòng family restrooms và mothers and nursing room để các bà mẹ thay diaper và cho các bé bú! Đành để bà ngoại lang thang ngắm nghía một mình, mẹ đánh vật với bé suốt mấy tiếng đồng hồ, mệt lử, bố ngồi bên cạnh động viên và thỉnh thoảng bế giúp. Vậy mà về nhà mẹ cũng đau giần hết cả lưng và bả vai… Đấy là hậu quả tất yếu của mấy đêm liền còng lưng vừa qua, khi mà bé kêu gào thảm thiết bất chấp những nỗ lực cho ăn và dỗ ngủ của mẹ. Không thể hiểu nổi tại sao bé bỗng dưng trở nên khó tính, khó chiều, khóc như xé vải, mặt đỏ gay như say rượu, còn cả thân hình oằn lên làm cho sức nặng trở nên gấp đôi… chưa kể đến việc đòi ăn liên tục làm mẹ cảm thấy không còn thời gian để nghỉ ngơi nữa! Quá bức xúc nếu bé cứ tiếp tục như vậy hàng tuần hàng tháng, mẹ mở sách ra xem những trường hợp làm cho bé sơ sinh khóc nhiều một cách bất thường, và sau khi đọc xong, thay vì đưa bé đi khám, mẹ quyết định giải thích biểu hiện của bé bằng lý do lạc quan nhất, đó là bé đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhu cầu dinh dưỡng tăng đột biến nên bé khóc đòi ăn suốt ngày và trong trường hợp này, mẹ nên cố gắng đáp ứng được đòi hỏi của bé. Thông tin quý báu này có vẻ hoàn toàn phù hợp với Sean khi mà chỉ trong 10 ngày bé đã tăng ngót nghét 1 kg, nhưng quan trọng hơn nó làm mẹ thấy nhẹ nhõm cả người vì bé không ốm đau gì cả… (Thanks Godness sau đúng 4-5 ngày thì hiện tượng này đã chấm dứt!)

Còn đây là trích đoạn nói về các lý do dẫn tới infant fussiness (Caring for Your Baby and Young Child – American Academy of Pediatrics):

- Growth spurt: A rapid growth phase often happens at two to three weeks of age (correct!), again around six weeks, and once more at about three months. During these growth spurts, babies will want to nurse constantly. Remember, this is normal, and it is only temporary, usually lasting about four to five days. Keep breastfeeding very often, and do not give other liquids…

Đây là những lý do khác:

- Hunger

- Hyperalert or high-needs infants

- Colic

- Oversupply or overactive let-down of breastmilk

- Reflux (also called gastroesophageal reflux)

- Food sensitivities

- Allergies

- Serious illness

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2006

Mein name ist…/ Je m'appelle...





Tên của cu Sean


 


Phiếm đàm một chút về cái tên…


Ngày xửa ngày xưa cách đây không lâu lắm, khoảng 1.5 năm về trước, cuối năm 2004 đầu năm 2005, sau khi “tèn tén ten” (nhạc đám cưới đó cu), bố và mẹ đã có một tuần “trăng vỡ mật” đến là vất vả ở UK, gọi là vất vả vì mẹ phải cắm đầu ôn thi học kỳ trong tình trạng lúc nào cũng thiếu ngủ, còn bố phải lui cui một mình đi chợ, nấu ăn chăm vợ… học!!! Cái thời gian đó, có thể vì đi lại và thay đổi múi giờ liên tục, cũng có thể vì thiếu ngủ triền miên, bố và mẹ đã tưởng là “suýt” có baby… Mẹ lo cuống lên vì đến hè là thời gian mẹ sẽ rất bận rộn với việc làm luận văn, nhưng bố (khi đó đã về lại VN) lại tỏ ra vô cùng vui sướng và ra sức động viên thuyết phục để mẹ cũng vui sướng như bố. Hồi đó, bố mẹ thậm chí đã bàn nhau về việc đặt tên cho baby, chính xác hơn là mẹ trong một ngày cao hứng đã nghĩ ra, khoe ầm lên và bố cũng không tỏ vẻ phản đối… Nếu baby boy tên là Cao Việt Anh, nếu baby girl tên là Cao Mỹ Anh, riêng tên Cao Mỹ Anh thì vẫn được ứng cử trong trường hợp Sean có em gái…


Chờ đợi Sean ra đời, suốt 5 tháng đầu tiên bố mẹ không nghĩ đến chuyện đặt tên vì không biết là trai hay gái. Ngày siêu âm đầu tiên (và duy nhất) là vào 16/5/2006, cũng chính là ngày bác sĩ khẳng định 200% rằng baby trong bụng mẹ là con trai, chỉ để mọi người tin tưởng hơn vào dự đoán của mình. 4 tháng tiếp theo đó, bố mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện đặt tên nhưng không đi đến thống nhất. Vì là thằng cu nên bố đòi giành phần đặt tên chính, mẹ đặt tên đệm còn người kia có quyền duyệt, mà cái tên bố cứ khăng khăng muốn chọn là Cao Thiên thì không bao giờ mẹ đồng ý cả. Bố “ný nuận” như thế này:


Hoi minh hoc lop 11, tren truyen hinh co chieu mot phim cua TQ la "Xung danh anh hung". Nhan vat chinh la mot dong chi cong an ten Cao Thien. Bat dau phim da ra khoi nganh lam kinh te va chuan bi lay vo nhung khi den mot thanh pho dang phat trien (tham thay giao cu-cung la mot cong an ve huu), nan buon lau va tham nhung hoanh hanh ghe qua. Trong mot lan tinh co, nguoi thay giao cu dung do mot bang cuop, ong da binh tinh nam lay tinh hinh danh bai bon chung nhung ko may bi mot ten cuop sot lai ban chet.


Thanh pho moi nam trong nguy co ko the phat trien vi cuop moc ngoac voi lanh dao, nan buon lau hoanh hanh...


Mot so lanh dao cao cap da ra suc thuyet phuc Cao Thien, mot chien sy cong anh tai ba quay lai nganh va lam giam doc cong an thanh pho do. Cuoi cung anh da dong y...


Cuoc chien cam go khien anh ko con nhieu thoi gian cho vo sap cuoi va co da ko thong cam bo anh ra di. Gat dau thuong sang mot ben, anh van het minh chien dau voi lu toi pham va dong thoi diu dat dua con cua nguoi thay truong thanh.


 Cuoi cung anh da thang, pha tan duoc lu toi pham cung bon tham nhung.


 Thoi ay, khi ma hau het ban be me mai on thi DH thi minh van xem film vai buoi mot tuan, lan nao vua xem minh cung bi phan khich boi nhung hanh dong thong minh, anh hung cua Cao Thien. Tu do minh da dinh bung sau nay co con trai se dat ten la Cao Thien, va hy vong cac hanh dong cua con minh cung se "xung danh anh hung". Thuc su minh ko mong no lam duoc gi qua lon nhung mong no co chi khi va cu xu sao chu du ca "nhan nghia le tri tin" ma thoi...


Cung co nhieu ten ma minh thich nhu So*n, Vu~, Minh, Ta^m... nhu*ng minh thich nhat ten Cao Thien, mong muon chi khi con minh cung long long nhu chinh cai ten do vay!


Khi bà ngoại sang thăm và chăm Sean giúp bố mẹ, hỏi cô Mít có muốn gửi gắm gì không, cô chỉ nhắn nhủ một điều rằng “anh Hùng đừng có đặt tên con là Thiên” làm cả nhà cứ cười mãi! Mẹ thì cũng nghĩ rằng cái gì cao thì tốt, nhưng cao tới trời thì không cần thiết, thật may là trong vụ này mẹ có nhiều đồng minh nên mới chống lại được sự bảo thủ của bố. Sau đó bố và mẹ thống nhất với nhau sẽ chọn một cảnh tượng thiên nhiên thật đẹp để đặt tên cho thằng cu đầu lòng, vì family name mà cu sẽ mang là Cao nên có thể liên tưởng đến cây cao, núi cao… Đắn đo nhiều rồi bố chọn tên Sơn, tên của bác Sơn còi, một người mà bố mẹ rất quý mến và khâm phục vì sự tự khẳng định mình và tính lạc quan vô bờ bến, tên của chú Sơn Hà Nội bạn thân của bố, lần này thì mẹ không phản đối vì cu có thể có tên tiếng Anh thân mật là Sean (Shon) (click here) cũng gần vậy! Hơn nữa, Sơn viết không dấu còn là Son, là con trai yêu của bố mẹ nữa, my Son nhỉ?


Đến lượt tên đệm, mẹ đề cử rất nhiều cảnh đẹp đều bị bố lắc đầu hết: Cao Hàn Sơn, Cao Viễn Sơn, Cao Lam Sơn (ặc ặc)… Bố thì nghĩ ra những tên kỳ hơn: Cao Thạch Sơn, Cao Thiết Sơn… Sau khi cân nhắc mãi không được, bố tuyên bố là Cao + Sơn và chỉ Cao Sơn thôi, quyết định này có vẻ có hiệu lực mãi cho đến tận ngày cu ra đời mặc dù mẹ ra sức năn nỉ bố chọn một trong hai cái tên Cao Thái Sơn hoặc Cao Tùng Sơn. Cao Thái Sơn thì cả ông nội và ông ngoại chắc chắn sẽ thích vì chứa đựng được họ của cả hai bên, hơn nữa núi Thái Sơn từ trước đến nay cũng là một hình ảnh được nhắc đến không ít trong kho tàng văn học dân gian. Tuy nhiên vì bố say mê truyện Tàu, mơ ước một cái tên với những hình ảnh kỳ vĩ hùng tráng nên Cao Tùng Sơn có vẻ hấp dẫn hơn, lý do mẹ chọn nó thì đơn giản hơn, (những) người mang tên này mẹ rất quý mến, đến mức thời đi học mẹ mơ rằng sau này có con trai đặt tên là Tùng Anh, con gái đặt tên là Tùng Linh, đó lại chính là lý do bố không chấp nhận cái tên này… Bố thật là không biết nhân nhượng, nếu mẹ có quyền đặt tên, biết đâu mẹ đặt là Cao Thanh Tùng (cây thông xanh cao cao)?


Ngày cu ra đời, không hiểu có phải vì chứng kiến cảnh vượt cạn vất vả của mẹ, hay vì cảm kích biết ơn mẹ mang lại cho bố một thằng cu, mà đêm hôm đó khi ghé qua nhà viết email báo cáo cho mọi người trước khi quay lại bệnh viện với hai mẹ con, bố đã gật đầu: cu sẽ tên là Cao Tùng Sơn (một ngọn núi cao phủ đầy cây tùng)! Con có lẽ cũng sẽ rất tâm đắc với cái tên này, Tùng Sơn tiểu sát thủ (click here) nhỉ?