Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2006

12 Aug 06 - Going out





Một buổi đi chơi


 


Chủ nhật thứ 4 trong đời cu Sean!


Cũng là cái weekend thứ 4 cu được đưa đi chơi. Tuần đầu tiên, cả nhà đưa cu đi siêu thị Wal-mart superstore mua bỉm và giấy lau, cu ngủ no say suốt mấy tiếng đồng hồ. Tuần thứ hai, cả nhà đưa cu đi thăm ông Xây, bà Mai người quen của mẹ, cu chỉ dậy đòi ăn một lần rồi ngủ tiếp. Tuần tiếp theo, cu đi theo tới chợ Việt Nam Saigon – Taipei và chợ Mexican Fiesta để mua đồ ăn, im lìm trong giấc ngủ suốt, chỉ thỉnh thoảng cựa quậy người một chút, có lẽ vì nằm trong carseat lâu mỏi người… Thấy cu dễ thương như vậy, đến tuần này, khi chỉ còn vài ngày nữa cu tròn 1 tháng tuổi, mẹ lại hẹn ông Xây bà Mai đến chơi để ăn bánh giày giò home-made do bà Mai làm. Nếu mà cái gì có chữ “giò” trong đó đều có tác dụng kích thích tuyến sữa, hẳn mẹ đã gọi điện vòi vĩnh bà Mai làm hàng tuần cho mẹ ăn rồi hihii…


Hẹn 10h sáng nhưng mà nhà có trẻ con thì thật khó mà giờ giấc chính xác, ông bà cũng hoàn toàn thông cảm cho điều đó. Loay hoay cho cu ăn sáng, thay bỉm xong, đặt ngủ yên lành trong carseat rồi cả nhà đi, tới nơi cũng đã 11h. Ngồi nói chuyện xóm làng quê hương ngày xưa rôm rả, sau đó ông bà mời cả nhà ăn cơm, một bữa cơm ngon lành với các món ăn đậm đà hương vị Việt Nam: cá kho, canh rau đay, dưa muối… Bà Mai chiều mẹ lắm, làm cho hai đĩa bánh giày giò to để vừa ăn vừa mang về, làm mẹ không biết phải cảm ơn sao cho hết. Vậy mà chưa hết đâu nhé, ông Xây tặng quà đầy tháng cho cu Sean và hẹn hôm nào sẽ đến chơi… (món quà đầy tháng đầu tiên của cu đó, về nhà mẹ bóc mấy cái đồ chơi kính coong của ông bà ra cho cu chơi luôn!), mà chưa hết, ông bà lại còn chuẩn bị quà để bà ngoại mang về cho ông ngoại nữa, cả nhà từ chối mãi cuối cùng cũng phải nhận một ít tượng trưng… Mẹ sau đó báo cáo cho ông ngoại và thoả thuận ngay với ông là sẽ có quà gửi lại để cảm ơn, tranh thủ bác Zao đang về Việt Nam thăm vợ con.


À mẹ muốn nói cho cu Sean nghe một chút về tình hình người Việt tại Mỹ, có lẽ để con biết thôi, vì đến thời của con, thế cuộc và cách nhìn nhận của mọi người đã thay đổi nhiều rồi… Theo như việc học chính trị của bố trước khi đi, tổng cộng người Việt sinh sống ở nước ngoài là khoảng 3 triệu, trong đó tại Mỹ là 2 triệu, tuy nhiên mẹ nghĩ con số tại Mỹ này có thể chưa được liệt kê đầy đủ vì mẹ nhớ có lần ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng con số thuyền nhân (boatmen) đến Mỹ an toàn đã là 2 triệu rồi!!! Arlington này tập trung khoảng 200,000 người Việt, chỉ sau California và Houston (cách đây 3 tiếng lái xe), cũng có nghĩa là con em người Việt theo học tại UTA cũng đông vô cùng. Cu Sean có nhớ những lần mẹ và con đi khám bệnh, đi đẻ ở hệ thống bệnh viện JPS không, 3 thứ tiếng hay có nhất trong các loại giấy tờ và bảng chỉ dẫn là (1) tiếng Anh – cho người Mỹ và những người nước ngoài nói được tiếng Anh, (2) tiếng Tây Ban Nha – cho tụi Mexican, (3) tiếng Việt – cho người Việt. Nếu nói về cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ và lá cờ di sản của họ thì dài dòng lắm, nhất là nếu kể về cuộc diễu hành rước cờ đỏ sao vàng của hội sinh viên du học Việt Nam trong đợt International Week vừa rồi tại UTA… Mẹ chỉ tin rằng, với càng ngày càng nhiều người tiến bộ, biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía, biết đàm phán và dung hoà mâu thuẫn, người Việt trong nước và người Việt hải ngoại sẽ chung sức cải tạo đất nước tốt đẹp hơn…


Quay lại chuyện cuộc đi chơi hôm nay nhé, ông Xây và bà Mai sang Mỹ được gần 15 năm, hai ông bà có 5 người con, 3 người con trai đi Úc từ những năm 80 theo dạng vượt biên (cu có biết trước đây mẹ cứ nghĩ 2 từ đó là rất xấu không?), 2 người con gái đi Mỹ cùng ông bà năm 91 theo diện đoàn tụ gia đình (H.O – xem thêm ở đây), bây giờ hai ông bà là công dân Mỹ, hưởng chế độ phúc lợi của Mỹ, nói chung so với người già tại Việt Nam, cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn nhiều… Mẹ quen ông Xây tại nhà thờ First Baptist Church, nơi mẹ đến vào sáng thứ 4 hàng tuần tham gia một câu lạc bộ gọi là International Friends, ông và mẹ cùng trong nhóm của bà Alyce, bà Chủ tịch câu lạc bộ thứ 4 vừa đến thăm cu Sean ấy… trong nhóm đó, tên ông là Say, còn tên mẹ là Chan (Jackie Chan) hihi… Không biết vì cái gì, mẹ nghĩ có lẽ vì thái độ của ông đối với sinh viên du học mà mẹ có cảm tình với ông, còn ông, có lẽ vì phát hiện ra bố đồng hương với ông, nên dành ngay cho mẹ một sự ưu ái đặc biệt và liên tục mời bố mẹ tới chơi chừng nào còn chưa gặp được bố.


Ông Xây và bà Mai đều dân Bắc 54, nghĩa là nằm trong những người dân Bắc sau cải cách đấu tố, vì lý lịch gia đình không trong sạch (địa chủ cường hào) ồ ạt chuyển vào Nam bắt đầu làm lại kinh tế. Ông Xây vốn là giáo viên Sử - Địa, năm 63 ông bị động viên đi lính cho quân đội Cộng hoà, đến năm 75 khi hoà bình lập lại, ông bị đi trại tập trung cải tạo (concentrating camp) ở tận các vùng núi phía Bắc, mãi tới năm 83 mới được ra. Bây giờ ông đã 73 tuổi, hơn cả tuổi bà cố ngoại của cu Sean, vậy mà dùng tiếng Anh và internet rất thành thạo, và vẫn còn lòng ham học cũng như ham hiểu biết lắm, sang tới Mỹ này ông còn đi học lại Đại học đó cu Sean biết không? Không giống như phần nhiều những người lính thất trận khác ôm mối hận thù trong lòng và truyền lại cho con cháu, ông là người lính cộng hoà tiên tiến hiếm hoi mà mẹ được gặp khi biết chấp nhận chiến thắng của quân đội miền Bắc, chỉ riêng điều ấy thôi cũng đã làm mẹ quý mến ông bà rồi… Cũng có thể một phần vì, cuộc chiến tranh ấy, cho đến nay thì mẹ hiểu rằng, chỉ là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vì mục tiêu cá nhân của những kẻ cầm quyền hoặc do sai lầm về đường lối. Có không biết bao nhiêu gia đình như gia đình ông bà, cùng một lúc có anh em tham gia đội quân bên này, bạn bè nằm vùng chiến trường bên kia… Trong hoàn cảnh ấy, chiến thắng hay thất bại cũng đều là sự mất mát về con người và vật chất như nhau!


Có một điểm quan trọng nữa làm bố mẹ cảm thấy rất mau gần gũi với ông Xây và bà Mai, đó là giống như đa phần những người già xa quê khác, họ luôn – có thể nói là đau đáu – hướng về mảnh đất là Tổ quốc thực sự của họ. Mẹ không có lời nào tả hết được nỗi vui mừng và sự phấn khích của ông Xây khi ông được gặp người đồng hương Hải Phòng là bố, càng vui hơn khi biết quê ngoại bố cách làng cũ của ông chẳng bao xa, mặc dù ông rời quê từ năm 16 tuổi. Bà Mai chỉ ở Hà Nội tới năm 10 tuổi nên bà không lưu giữ được nhiều kỷ niệm tuổi thơ, những lần câu cá, bắt chim, v.v… (mẹ nghĩ rằng có khi ông còn có mối tình đầu rơi rụng ở đó hihi) nhưng cũng như ông, bà say mê nấu món ăn miền Bắc, nghe nhạc miền Bắc, xem phim miền Bắc… Hai ông bà rất mong được về thăm quê, nhìn lại cảnh các bà già răng đen ngồi trên chõng tre móm mém nhai trầu, cảnh các cô thôn nữ xúm xít bên cầu áo vo gạo, rửa rau, giặt giũ… mà sự thực ra bây giờ cũng khó mà tìm thấy. Trong nhà ông bà, băng phim miền Bắc và truyện ngắn của các nhà văn trong nước chất đầy nhà… Họ làm cho mẹ giật mình, phải chăng đó là những điều mà người có không biết trân trọng là mình có? Mẹ đã nhờ được ông ngoại mua tặng ông Xây bà Mai 2 quyển tuyển tập truyện ngắn mới nhất và 2 đĩa ca nhạc (1 đĩa Thu Hiền và 1 đĩa quan họ), thật may là ông ngoại có gu nghe nhạc giông giống ông Xây!!! Thỉnh thoảng mẹ cũng vào VOV kiếm mấy bài Ba Quan và Cò lả… cho con nghe đấy, hy vọng con cũng thích cu Sean nhỉ?


Cu Sean à, vì sao hôm nay mẹ lại nghĩ đến chuyện này? Vì con của mẹ đừng quên rằng, tạm thời bây giờ con mang theo mình quốc tịch Mỹ, nhưng con mãi là người Việt Nam, mẹ muốn con luôn hướng tới và tự hào về nguồn gốc của mình. Quan trọng hơn nữa, con hãy cố gắng làm được cái gì đó dù là nhỏ nhoi cho hai chữ Việt Nam thân yêu của mình nhé, cái điều đó, mẹ bây giờ vẫn còn đang phải phấn đấu nhiều…


 


 

0 lời tỏ tình:

Đăng nhận xét